Sự Nên Thánh Động Lực Bởi Phúc Âm

PDF: J. BRIDGES

SỰ NÊN THÁNH ĐỘNG LỰC BỞI PHÚC ÂM

(Hay: SỰ NÊN THÁNH DO PHÚC ÂM THÚC ĐẨY)

GOSPEL-DRIVEN SANCTIFICATION

bởi Jerry Bridges

[Tiếng Việt: Ấn bản thứ 3]

 

CÒN HƠN LÀ MỘT CUỐN SÁCH LUẬT LỆ

Trong đời sống Cơ Đốc Nhân non trẻ của tôi, tôi nghe có người nói, “Kinh Thánh được ban cho không để gia tăng kiến ​​thức của bạn, nhưng để hướng dẫn cho bạn cách hành xử trong cuộc sống.” Sau đó, tôi nhận ra rằng lời tuyên bố này là nỗ lực hết mức nhằm tối giản nhận thức về Kinh Thánh và lại là sự giải thích sai lầm nhất. Trước hết Kinh Thánh là sứ điệp về ân điển cứu rỗi của Đức Chúa Trời thông qua Chúa Giê-su Christ, trong đó mọi điều Kinh Thánh ghi lại trước khi thập tự giá chỉ về sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời và tất cả mọi điều sau khi Ngài hi sinh trên thập tự giá – bao gồm sự nên thánh của chúng ta – đều khởi nguồn từ sự cứu chuộc ấy.

Tuy nhiên, có một yếu tố chính xác trong lời tuyên bố này, và Đức Thánh Linh đã sử dụng nó để giúp tôi thấy rằng Kinh Thánh không phải chỉ dùng để đọc để làm tăng thêm kiến ​​thức. Thật vậy, chúng ta phải vâng phục Kinh Thánh và áp dụng một cách thực tế trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Như Gia-cơ đã nói, “Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình” (Gia-cơ 1:22).

Với sự thấu hiểu mới của mình, tôi đã cầu nguyện xin Đức Chúa Trời dùng Kinh Thánh dẫn dắt tôi trong tư cách sống của mình. Sau đó, tôi bắt đầu siêng năng cố gắng vâng theo lời Kinh Thánh. Tôi chưa bao giờ nghe đến cụm từ “theo đuổi sự thánh khiết,” nhưng điều ấy đã trở thành mục tiêu chính trong cuộc sống của tôi. Thật không may, tôi đã mắc hai lỗi. Thứ nhất, tôi cho rằng Kinh Thánh như kiểu là một cuốn sách luật lệ và rằng tất cả mọi điều tôi cần làm là học những gì Kinh Thánh nói và làm theo. Tôi đã không biết đến việc mình nhất thiết phải phụ thuộc vào sự hướng dẫn và quyền phép của Đức Thánh Linh.

Tệ hơn nữa, tôi cho rằng Đức Chúa Trời chấp nhận tôi và sự ban phước của Ngài trên đời sống của tôi phụ thuộc vào việc tôi tuân theo luật lệ như thế nào. Tôi biết mình đã được cứu bởi ân điển qua đức tin đặt nơi Chúa Giê-su (không kể đến bất cứ công việc nào). Tôi đã bảo đảm sự cứu rỗi của mình và cho rằng mình sẽ lên thiên đàng khi tôi qua đời. Nhưng trong cuộc sống hàng ngày, tôi nghĩ rằng sự chúc phước của Đức Chúa Trời phụ thuộc vào việc thực hành kỷ luật thuộc linh, chẳng hạn như dành thời gian tĩnh nguyện hàng ngày và không cố ý phạm bất kỳ tội lỗi nào. Tôi đã không suy ngẫm kĩ về điều này mà chỉ vô thức thừa nhận nó, căn cứ vào tập tục văn hoá Cơ Đốc ở nơi tôi sống. Tuy nhiên, nó lại định đoạt thái độ của tôi đối với đời sống Cơ Đốc Nhân.

SỰ MÔN ĐỒ HÓA ĐƯỢC DỰA TRÊN THÀNH TÍCH (Performance-Based Discipleship)

Câu chuyện của tôi không phải là xa lạ. Ngày nay, người Tin Lành thường nghĩ rằng phúc âm chỉ dành cho những người chưa tin Chúa. Khi chúng ta đang ở trong cánh cửa của vương quốc Đức Chúa Trời, chúng ta cần phúc âm chỉ để chia sẻ cho những người đang vẫn còn ở ngoài vương quốc. Hiện tại, là những người tin Chúa, chúng ta cần phải nghe sứ điệp của môn đồ. Chúng ta cần phải học cách để sống đời sống Cơ Đốc Nhân và được thách thức để thực hiện điều đó. Đó là những gì tôi đã tin và thực hiện qua đời sống và chức vụ của mình trong một thời gian. Đó là những gì mà dường như hầu hết các Cơ Đốc Nhân đều tin.

Khi tôi nhận thấy được điều đó, phần lớn cộng đồng Cơ Đốc Nhân ngày nay dựa trên phong trào thành tích (performance-based culture). Và khi chúng ta càng kết ước theo Chúa Giê-su cách sâu sắc hơn, thì quan niệm thành tích của chúng ta cũng ăn sâu hơn. Chúng ta nghĩ mình giành được sự ban phước của Đức Chúa Trời hoặc đánh mất ơn phước đó dựa vào việc chúng ta sống đời sống Cơ Đốc Nhân tốt ra sao.

Hầu hết các Cơ Đốc Nhân đặt ra một tiêu chuẩn về việc làm có thể chấp nhận được (baseline) dựa trên mức mà họ đo lường sự chấp nhận của Đức Chúa Trời. Đối với nhiều người, tiêu chuẩn này là không gì hơn việc tham gia lễ ở nhà thờ thường xuyên và tránh phạm các tội lớn. Các cơ Đốc Nhân như vậy thường mang đặc điểm chung là ít nhiều tự cho rằng mình thanh cao. Sau tất cả, họ không cho phép mình phạm những tội tội lỗi lớn mà chúng ta thấy đang xảy ra xung quanh. Cơ Đốc Nhân như thế sẽ không nghĩ rằng họ cần phúc âm nữa. Họ sẽ nói rằng phúc âm chỉ dành cho các tội nhân.

Đối với Cơ Đốc Nhân đã cam kết, tiêu chuẩn còn cao hơn nhiều. Nó bao gồm thường xuyên thực hiện các kỷ luật thuộc linh, vâng phục Lời Chúa, và tham gia trong một số mục vụ. Ở đây một lần nữa, nếu chúng ta tập trung vào hành vi cư xử bên ngoài, thì có nhiều điểm khá tốt. Nhưng các Cơ Đốc Nhân này thậm chí càng dễ tự cho rằng mình thanh cao hơn những người khác, vì họ dùng ánh mắt thuộc linh cao ngạo để nhìn xuống không chỉ xã hội đầy tội lỗi chung quanh họ, nhưng ngay cả các Cơ Đốc Nhân khác, là những người đã không cam kết như họ. Những Cơ Đốc Nhân này cũng không cần phúc âm. Đối với họ, sự trưởng thành của Cơ Đốc Nhân có nghĩa là kỷ luật và cam kết nhiều hơn.

Rồi, có một nhóm thứ ba. Tiêu chuẩn của nhóm này nhiều hơn việc thực hiện các kỷ luật ở bên ngoài, sự vâng phục, và mục vụ. Các Cơ Đốc Nhân này nhận thức được rằng họ cần xử lý các tội lỗi trong lòng như tinh thần chỉ trích, sự kiêu ngạo, sự ích kỷ, ghen tị, hờn giận, và lo lắng. Họ nhận thấy được sự thiếu kiên định của mình trong việc dành thời gian tĩnh nguyện, bỏ lỡ cơ hội làm chứng, và sự thất bại thường xuyên của họ trong việc xử lý các tội lỗi trong lòng mình. Nhóm Cơ Đốc này có nhiều khả năng là cảm giác tội lỗi đã thâm căn cố đế bởi vì các thành viên đã không đáp ứng được những sự mong đợi của chính họ. Và bởi vì họ nghĩ rằng sự chấp nhận Đức Chúa Trời dựa trên thành tích của bản thân, họ tìm thấy rất ít niềm vui trong đời sống Cơ Đốc. Đối với họ, cuộc sống giống như máy chạy bộ một khi bước lên sẽ đẩy họ càng lúc càng tụt về phía sau xa hơn và xa hơn nữa. Nhóm này cần phúc âm, nhưng họ không nhận ra phúc âm là dành cho họ. Tôi biết, vì tôi ở trong nhóm này.

PHÚC ÂM LÀ DÀNH CHO CÁC CƠ ĐỐC NHÂN

Dần dần theo thời gian, từ sự thôi thúc ngày càng mãnh liệt của nhu cầu thuộc linh, tôi đã nhận ra rằng phúc âm cũng dành cho những người tin Chúa. Cuối cùng, thì tôi đã nhận ra được điều này, mỗi buổi sáng tôi đã cầu nguyện một câu Kinh Thánh như Ê-sai 53:6, “Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy; Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người,” và sau đó nói, Lạy Chúa, con đã đi lạc lối. Con đã đi theo con đường riêng của mình, nhưng Ngài đã đặt tất cả tội lỗi của con trên Đấng Christ và bởi cớ ấy con đến gần Ngài và cảm thấy được sự chấp nhận từ Chúa.”

Tôi thấy rằng lời tuyên bố của Phao-lô trong thư Ga-la-ti 2:20, “nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi,” đã được thực hiện trong bối cảnh của sự xưng công bình (xem cc. 15-21). Tuy nhiên, Phao-lô đã nói ở thì hiện tại: “nay tôi sống …” Dựa vào bối cảnh, tôi đã nhận ra rằng Phao-lô không đang nói về sự nên thánh của ông, nhưng nói về sự xưng công bình của ông. Đối với Phao-lô, vì cớ đó sự xưng công bình (được tuyên bố là công chính bởi Đức Chúa Trời dựa trên sự công chính của Đấng Christ) không chỉ là một kinh nghiệm ở thì quá khứ, nhưng mà là một thực tế hiện tại.

Phao-lô đã sống mỗi ngày bởi đức tin trong huyết đã đổ ra và sự công chính của Đấng Christ. Mỗi ngày ông nhìn theo chỉ một mình Đấng Christ để nhận được sự chấp thuận của Đức Chúa Cha dành cho mình. Ông đã tin, giống như Phi-e-rơ (xem trong I Phi-e-rơ 2:4-5), ngay cả những việc làm tốt nhất của chúng ta – các của lễ thuộc linh của chúng ta – được Đức Chúa Trời chấp nhận duy nhất thông qua Đức Chúa Giê-su Christ. Có lẽ không ai ngoại trừ chính Chúa Giê-su đã từng cam kết cả về trong đời sống và chức vụ giống như Sứ đồ Phao-lô. Tuy nhiên, ông không nhìn vào thành tích của riêng mình nhưng ông nhìn vào “thành tựu” của Đấng Christ như là cơ sở duy nhất của việc ông được Đức Chúa Trời chấp nhận.

Vì vậy, tôi đã học được rằng Cơ Đốc Nhân cần phải nghe phúc âm suốt cả cuộc đời, vì phúc âm đó tiếp tục nhắc nhở chúng ta rằng ngày này sang ngày khác Đức Chúa Cha chấp nhận chúng ta không phải dựa vào những gì chúng ta làm cho Đức Chúa Trời, nhưng dựa vào những gì Đấng Christ đã làm cho chúng ta qua đời sống vô tội và và cái chết nhằm gánh thay tội lỗi. Tôi bắt đầu thấy được rằng ngày hôm nay chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời được xưng là công chính không khác gì so với mãi mãi về sau, ngay cả ở trên thiên đàng, vì Chúa đã mặc cho chúng ta sự công chính của Con Ngài. Thế nên, tôi không cần phải chứng tỏ mình qua việc làm để được Đức Chúa Trời chấp nhận. Bây giờ, tôi tự do để vâng phục và phục vụ Ngài bởi vì tôi đã được chấp nhận trong Đấng Christ (xem trong Rô-ma 8:1). Động lực thôi thúc của tôi bây giờ không phải là ý thức tội lỗi mà là lòng biết ơn.

Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta hiểu rằng Đức Chúa Trời chấp nhận chúng ta được dựa trên công việc của Đấng Christ, chúng ta vẫn có khuynh hướng tự nhiên quay về quan niệm thành tích. Cho nên, chúng ta phải liên tục trở lại với phúc âm. Như cách diễn đạt của ông Jack Miller thì chúng ta phải “giảng phúc âm cho chính mình mỗi ngày.” Đối với tôi có nghĩa là tôi tiếp tục trở lại với những câu Kinh Thánh như Ê-sai 53:6, Ga-la-ti 2:20, Rô-ma 8:1. Có nghĩa là tôi thường xuyên lặp lại những lời từ một bài thánh ca cũ, “Hy vọng của tôi được xây dựng không dựa vào gì khác hơn huyết và sự công chính của Chúa Giê-su Christ.”

KHÔNG CÓ “ĐỨC TIN DỄ DÃI” (No “Easy Believism”)

Thế nhưng vịn vào ý tưởng rằng Đức Chúa Trời chấp nhận chúng ta hoàn toàn dựa trên những điều Đấng Christ đã làm mà không phụ thuộc vào sự thực thi luật lệ của chúng ta chẳng phải là một thể loại “đức tin dễ dãi” sao? Trong hình thức cơ bản nhất, đây là khái niệm mà “Từ khi tôi cầu xin Đấng Christ làm Cứu Chúa của tôi, thì tôi đang trên đường đến thiên đường bất kể tôi sống ra sao. Cho dù tôi tiếp tục trong lối sống tội lỗi của mình thì cũng không thành vấn đế. Dù thế nào đi nữa, Đức Chúa Trời yêu thương và sẽ chấp nhận tôi.”

Bằng lối suy nghĩ tương tự, lời công bố rằng sự chấp nhận và sự chúc phước của Đức Chúa Trời được dựa hoàn toàn vào những điều Đấng Christ đã làm có nghĩa rằng cách tôi đang sống ngay bây giờ thực sự không thành vấn đề. Nếu Chúa Giê-su đã “thực hiện” ở vị trí của tôi rồi, thì tại sao phải trải qua các nỗ lực và đau đớn để xử lý tội lỗi trong cuộc sống của tôi? Tại sao phải bận tâm với các kỷ luật thuộc linh và tại sao sử dụng công sức và cảm xúc để phục vụ Đức Chúa Trời trong cuộc sống trên đất này nếu tất cả mọi sự đều phụ thuộc vào Đấng Christ?

Sứ Đồ Phao-lô đã dự đoán về “đức tin dễ dãi” trong Rô-ma 6:1 khi ông viết, “Vậy chúng ta sẽ nói làm sao? Chúng ta phải cứ ở trong tội lỗi, hầu cho ân điển được dư dật chăng?” Câu trả lời của ông trong Rô-ma 6:2 “chẳng hề như vậy! Chúng ta đã chết đối với tội lỗi, lẽ nào còn sống trong tội lỗi nữa?” Trả lời câu hỏi,” Tại sao bận tâm? “Phao-lô đã không trả lời với” Làm sao bạn có thể vô ơn suy nghĩ một điều như vậy? “Không, thay vào đó ông đã nói, với chủ đích, “Anh em không hiểu phúc âm. Anh em không nhận ra rằng anh em đã chết đối với tội lỗi và nếu anh em đã chết đối với tội lỗi, lẽ nào còn sống trong tội lỗi nữa” (xem trong Rô-ma 6:3-14).

CHÚNG TA CHẾT ĐỐI VỚI TỘI LỖI

Tuy nhiên, bây giờ chúng ta đi đến một câu hỏi quan trọng. Phao-lô muốn nói gì khi ông nói chúng ta chết đối với tội lỗi? Hoàn toàn rõ ràng ông không có ý muốn nói rằng chúng ta chết trước tội lỗi vi phạm hàng ngày. Nếu điều đó là đúng, thì không có người thành thật nào có thể tuyên bố mình đã được bào chữa bởi vì hàng ngày tất cả chúng ta đều phạm tội. Không ai trong chúng ta thật sự hết lòng, hết linh hồn, hết ý chí mà yêu mến Chúa là Đức Chúa Trời và thực tế không ai trong chúng ta yêu người lân cận như yêu chính mình (xem Ma-thi-ơ 22:35-40). Mà điều đó cũng không có nghĩa rằng chúng ta đã chết theo kiểu không còn phản ứng với những sự cám dỗ của tội lỗi, như một số người đã dạy. Nếu điều đó đúng, lời khuyên tránh những ham mê của xác thịt của Phi-e-rơ sẽ là vô nghĩa (xem trong I Phi-e-rơ 2:11). Vậy thì, Phao-lô muốn nói gì?

Một số nhà diễn giải Kinh Thánh tin rằng Phao-lô chỉ muốn nói rằng chúng ta đã chết đối với hình phạt của tội lỗi. Đó là, bởi vì chúng ta hiệp nhất với Đấng Christ, thì khi Đấng Christ đã chết đối với hình phạt tội lỗi thì chúng ta cũng đã chết đối với hình phạt của tội lỗi với Ngài. Chắc chắn đó là điều ông muốn nói đến, nhưng ý ông cũng muốn nói nhiều hơn thế nữa. Điều đó cũng có nghĩa rằng chúng ta đã chết đối với sự thống trị của tội lỗi.

Sự thống trị của tội lỗi là gì? Trong Rô-ma 5:21, Phao-lô có nói về sự cai trị của tội lỗi. Và trong Cô-lô-se 1:13, ông nói về lãnh địa của sự tối tăm. Khi A-đam đã phạm tội trong vườn E-đen, tất cả chúng ta đều đã phạm tội thông qua sự hiệp nhất theo luật định (legal union) của chúng ta với ông (xem Rô-ma 5:12-21). Đó là, bởi vì tính đồng nhất của chúng ta với A-đam cho nên tất cả chúng ta phải chịu đau khổ vì những hậu quả gây ra do tội lỗi của mình. Và một phần của hậu quả đó chính là sinh ra trong thế giới này dưới sự cai trị của tội lỗi. Phao-lô mô tả việc sống dưới quyền thống trị này là như thế nào qua phân đoạn Ê-phê-sô 2:1-3. Ông nói rằng chúng ta đã chết về mặt thuộc linh; chúng ta nghe theo những thói quen đời này, và nghe theo quỷ dữ, theo bản chất tội lỗi chúng ta sống trong sự ham mê của xác thịt, theo lẽ tự nhiên, chúng ta chính là đối tượng của cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời.

Cuộc sống nô lệ dưới sự thống trị của tội lỗi là một phần của hình phạt chúng ta phải gánh chịu cho tội lỗi của bản thân. Tuy nhiên, thông qua sự hiệp nhất với Đấng Christ trong sự chết của Ngài, cả về tội lỗi của A-đam và tội lỗi của cá nhân của chúng ta đã được gột rửa mãi mãi. Khi đã đồng chết với Đấng Christ trước mặc cảm của tội lỗi, hệ quả là chúng ta cũng cũng đã chết đối với sự cai trị của tội lỗi. Chúng ta không thể tiếp tục sống trong tội lỗi như là một lối sống bị tội lỗi làm chủ nữa vì sự cai trị của tội lỗi trên chúng ta đã mãi mãi bị đánh đổ.

Cái chết đối với sự thống trị của tội lỗi trên chúng ta được biết đến theo thần học là sự nên thánh được định rõ (definitive sanctification). Đây được hiểu là một phân rẽ dứt khoát khỏi tội lỗi, thứ đã đóng vai trò là quyền lực thống trị trong cuộc sống của người tin Chúa. Đó là sự kiện xảy ra tại một thời điểm nhất định, cùng một lúc với sự xưng công bình. Đó là sự thay đổi cơ bản đã được thực hiện trong chúng ta bằng hành động (monergistic) duy thần tái sinh của Đức Thánh Linh (có nghĩa là, chính Đức Thánh Linh hành động chỉ một mình Ngài mà không cần có sự cho phép hoặc hỗ trợ của con người) khi Ngài giải cứu chúng ta ra khỏi vương quốc tối tăm và đưa chúng vào trong vương quốc của Đấng Christ. Hành động này hoàn toàn phá đổ với sự thống trị của tội lỗi trong cuộc sống của tất cả những người tin cậy Đấng Christ là Đấng Cứu Rỗi. Không có chuyện là sự xưng công bình diễn ra mà không có sự biệt riêng nên thánh một cách dứt khoát. Cả hai đều xảy đến với cho chúng ta bởi kết quả của của những điều mà Đấng Christ đã làm cho chúng ta.

XÉT ĐẾN CHÍNH BẠN ĐÃ CHẾT ĐỐI VỚI TỘI LỖI

Thế là chúng ta được giải thoát khỏi mặc cảm tội lỗi và sự cai trị của tội lỗi. Nhưng những thông tin này có ích gì cho chúng ta? Nó có thể giúp chúng ta thực sự sống cuộc đời theo đuổi sự nên thánh dựa trên phúc âm như thế nào? Lời dạy của Phao-lô trong Rô-ma 6:11 này rất hữu ích: “Vì vậy, anh em cũng hãy coi mình như thế về tội lỗi và như sống cho Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-xu Christ.”

Điều quan trọng là chúng ta cần hiểu những gì Phao-lô đang nói ở đây bởi vì ông không nói đến điều chúng ta phải làm nhưng ông nói đến điều mà chúng ta tin. Chúng ta phải tin rằng chúng ta đã chết thông qua Đấng Christ đối với hình phạt của tội lỗi và sự cai trị của nó. Nhưng đây không phải là một điều mà chúng ta có thể cố tin cho tới khi nó trở thành sự thật. Đơn giản, chúng ta chết về tội lỗi, cho dù chúng ta có tin hay không. Nhưng hiệu quả thực tiễn về sự chết đối với tội lỗi của chính mình có thể được nhận ra chỉ khi chúng ta tin rằng đó là thật.

Thực tế, trong bản chất chúng ta đã có tội, nhưng Đức Chúa Trời không còn buộc tội với chúng ta nữa bởi vì nó đã được Đấng Christ gánh thay cho chúng ta. Bản án được thực thi. Hình phạt đã hoàn tất. Chúng ta đã chết đối với tội lỗi, cả về mặc cảm tội lỗi và sự thống trị của nó. Đó là lý do tại sao Phao-lô có thể viết, “Phước thay cho người mà Chúa chẳng kể tội lỗi cho” (Rô-ma 4:8).

Nhưng câu hỏi đặt ra là, “Nếu tôi đã chết trước sự thống trị của tội lỗi, thì tại sao tôi vẫn còn đấu tranh với các kiểu tội lỗi trong cuộc sống của tôi?” Câu trả lời cho câu hỏi đó nằm trong từ đấu tranh. Người không tin Chúa không đấu tranh với tội lỗi. Họ có thể tìm cách khắc phục một số thói quen xấu, nhưng họ không xem thói quen là tội lỗi. Họ không có ý thức rằng tội lỗi chống đối lại với Đức Chúa Trời thánh khiết. Mặt khác, những người tin Chúa đấu tranh với tội lỗi là như là tội lỗi. Chúng ta thấy những lời nói, những suy nghĩ, và các việc làm đầy tội lỗi của chúng ta là tội chống nghịch với Đức Chúa trời; và chúng ta cảm thấy mặc cảm tội lỗi bởi vì những điều sai trái này. Đây là khi mà chúng ta phải tiếp tục quay trở lại với phúc âm. Việc tự nhận ra bản thân chính chúng ta chết đối với tội lỗi, đó chính là phúc âm.

Điều này không có nghĩa rằng chúng ta chỉ tin phúc âm và sống thỏa chí trong tội lỗi của chúng ta. Tuyệt đối không! Một lần nữa quay trở lại những lời Phao-lô nói trong Rô-ma 6:1-2. Chúng ta đã chết cả về cảm giác tội lỗi và quyền thống trị của nó. Mặc dù tội lỗi có thể tiến hành chiến tranh với chúng ta (đó là lí do khiến chúng ta phải vất vả vật lộn), nó không thể cai trị chúng ta. Đó cũng là một phần của phúc âm. Nhưng sự chiến thắng trong cuộc vật lộn với tội của chúng ta bắt đầu bằng niềm tin thẳm sâu trong lòng mình rằng cho dù chúng ta có những thất bại và vẫn còn vật lộn với nó, chúng ta đã chết đi đối với mặc cảm của tội lỗi. Chúng ta phải tin rằng cho dù chúng ta thường thất bại, không có sự định tội cho chúng ta (Rô-ma 8:1).

William Romaine, là một trong những nhà lãnh đạo của giai đoạn phục hưng ở Anh thế kỷ XVIII, đã viết, “Không có tội lỗi nào có thể bị đóng đinh trong lòng hay trong cuộc sống trừ khi trước hết nó được tha thứ trong lương tâm … Nếu nó không bị thối hoại trong cảm giác tội lỗi, thì sức mạnh của nó không thể được khuất phục.” Những gì Romaine đã nói là nếu bạn không tin bạn đã chết trước mặc cảm tội lỗi, thì bạn không tin Chúa ban sức để bạn khuất phục quyền lực của nó trong cuộc sống của bạn. Vì vậy, nơi để bắt đầu xử lý tội lỗi là tin phúc âm khi phúc âm nói bạn đã chết đối với mặc cảm của tội lỗi.

SỰ TIẾN BỘ TRONG VIỆC NÊN THÁNH

Chiến tranh chống lại thói quen tội lỗi của chúng ta và tìm cách mặc vào mình tính cách giống Đấng Cứu Thế thường được gọi là sự nên thánh. Nhưng vì thuật ngữ sự nên thánh được định rõ dùng để mô tả thời điểm giải thoát khỏi sự thống trị của tội lỗi, nên việc tăng trưởng trong sự thánh khiết của Cơ Đốc Nhân có thể được hiểu như sự tiến bộ trong việc nên thánh (progressive sanctification). Ngoài ra, từ tiến bộ chỉ ra sự liên tục tăng trưởng trong sự thánh khiết theo thời gian. Các tác giả Tân Ước đều thừa nhận sự tăng trưởng (xem I Côrinhtô 6:9-11; Ê-phê-sô 2:19-21; Cô-lô-se 2:19; II Tê-sa-lô-ni-ca 1:3); và liên tục thúc giục chúng ta theo đuổi điều đó (xem II Cô-rinh-tô 7:1; Hê-bơ-rơ 12:14; II Phi-e-rơ 3:18.). Không có chỗ nào trong Cơ Đốc Giáo đích thực ủng hộ cho sự trì trệ, tự mãn, và các Cơ Đốc Nhân tự cho mình là công chính. Chúng ta phải tìm kiếm sự tăng trưởng để ngày càng giống Đấng Cứu Thế cho đến khi chúng ta về với Chúa.

Sự tiến bộ trong việc nên thánh này luôn luôn liên quan đến việc thực hành các kỷ luật thuộc linh như đọc Kinh Thánh, cầu nguyện, và thường xuyên thông công với các tín hữu khác. Nó cũng bao gồm việc kết liễu những việc làm tội lỗi của thể xác (xem Rô-ma 8:13) và mặc lấy phẩm chất giống Đấng Christ (xem Cô-lô-se 3:12-14). Và quan trọng hơn nữa là nó bao gồm một sự phụ thuộc tuyệt nhiên vào Đấng Christ để có sức mạnh làm những điều này, vì chúng ta không thể tăng trưởng bởi sức riêng của chính mình.

Vì vậy, sự nên thánh đòi hỏi công khó nhọc và phụ thuộc vào Đấng Christ; điều mà tôi gọi là nỗ lực phụ thuộc. Và nó sẽ luôn luôn có nghĩa là chúng ta không thỏa mãn với những thành tích của bản thân. Đối với một Cơ Đốc Nhân tăng trưởng, mong muốn sẽ luôn luôn vượt bỏ xa mức độ thực thi, hay ít nhất là những thành tích nhận biết được. Sau đó thì điều gì sẽ giữ chúng ta tiếp tục đối mặt với sự căng thẳng giữa mong muốn và sự thực hiện? Câu trả lời là phúc âm. Đó là sự bảo đảm trong phúc âm rằng chúng ta đã thực sự chết đối với tội lỗi và không có sự định tội nào cho chúng ta trong Đức Chúa Giê-su Christ, điều đó sẽ thúc đẩy chúng ta và giữ cho chúng tiếp bước ngay cả khi đối mặt với sự căng thẳng này.

Chúng ta phải luôn luôn tập trung vào phúc âm bởi vì đó là bản chất của sự nên thánh để chúng ta tăng trưởng, chúng ta nhận biết được nhiều và nhiều hơn về tội lỗi của chúng ta. Thay vì để điều này dẫn chúng ta đến chỗ chán nản, điều này nên dẫn chúng ta đến phúc âm. Đó là phúc âm tin mỗi ngày, đó là động lực bền vững duy nhất để theo đuổi sự tiến bộ nên thánh thậm chí trong những thời điểm mà chúng ta dường như không nhận thấy sự tiến bộ. Đó là lý do tại sao tôi dùng diễn đạt “sự nên thánh động lực bởi phúc âm” (hay “sự nên thánh do phúc âm thúc đẩy”) và đó là lý do tại sao chúng ta phải “giảng phúc âm cho chính mình mỗi ngày.”

Xuất bản gốc bởi tạp chí Modern Reformation Magazine (Tháng năm- Tháng sáu, 2007, Volume 12.3)

This article was originally published in the May/June 2007 issue of Modern Reformation magazine and is re-published here by permission of the editors. For more articles by this author, go to www.modernreformation.org.

www.godssovereigntyinvietnam.com

(Hãy xem: ‘Obedience Based Discipleship’ Là Gì? / ‘Môn Đồ Hóa Dựa Trên Sự Vâng Phục’ Là Gì?)

https://christcenteredresourcesasia.wordpress.com/cambodia/vietnam/mon-do-hoa-dua-tren-su-vang-phuc/